Công trình: Xây dựng câu lạc bộ nhằm tạo hứng thú học tập môn lịch sử cho học sinh THPT
Link công trình: https://drive.google.com/drive/folders/1w4Nq-mcqBLqIzljfCd6MnI4yBRTK5k__?fbclid=IwAR0i8atCARBvrcMk7gRAtXluewFFu5Xn-WGxeQ9vH5crsL81b7BZZ5ElzSQ
Giới thiệu về công trình:
PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Lý do chọn đề tài
Năm 1986, tại đại hội VI của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu. Sau hơn 30 năm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đất nước đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Nước ta bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế – xã hội chưa vững chắc, chất lượng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hóa còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội tụ đủ các nhân tố phát triển nhanh và bền vững.
Cũng trong thời điểm này, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại những cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, những biến động về chính trị, kinh tế, dịch bệnh…đặt ra thách thức toàn cầu. Để đảm bảo phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực, trang bị cho những thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng và hiệu quả giáo dục, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần phát triển cả phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ; phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Trong mục tiêu giáo dục chung đó, bộ môn Lịch sử đóng vai trò quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục tổng thể. Với đặc thù riêng biệt, Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa lịch sử và văn hóa dân tộc. Thông qua những kiến thức và bài học lịch sử, góp phần hình thành cho học sinh những phẩm chất yêu nước, nhân ái, có ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; nhận thức những giá trị tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành phẩm chất công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp xu thế chung thời đại.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức xã hội chưa tương xứng vai trò của bộ môn, Lịch sử còn bị xem nhẹ. Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, coi Lịch sử là một bộ môn nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không có tiền đồ, khó tìm kiếm cơ hội việc làm.
Về phía học sinh, các em không thích học môn Lịch sử vì cho rằng đó là môn phụ, không quan trọng, lại có quá nhiều mốc thời gian với những sự kiện khô khan. Trong nhiều năm trở lại đây, khi các em bước chân vào THPT cũng đồng thời chuẩn bị cho cuộc chạy đua, cạnh tranh vào đại học. Và thực tế, muốn vào các ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao, ra trường dễ xin việc làm, các em chỉ có thể chọn các bộ môn khoa học tự nhiên. Sức hấp dẫn của môn Lịch sử đối với các em rất thấp.
Một bộ phận học sinh khác lại có tâm lí học thực dụng, chỉ học những môn, những kiến thức phục vụ cho thi cử, phần lớn khi lựa chọn môn Lịch sử trong thi THPT các em chỉ đặt ra mục tiêu vượt qua kì thi với điểm số tối thiểu. Trong những năm gần đây môn Lịch sử là một trong những môn học có tỉ lệ học sinh đạt điểm trung bình thấp nhất. Trường THPT nơi tôi công tác cũng không nằm ngoại lệ. Làm thế nào để học sinh đạt chất lượng cao trong học tập? Làm sao để thu hút được học sinh có hứng thú và chuyên tâm hơn trong học môn Lịch sử là nỗi trăn trở của rất nhiều giáo viên.
Với những lí do trên, qua nhiều năm giảng dạy, tôi chọn đề tài “Xây dựng câu lạc bộ nhằm tạo hứng thú học tập môn lịch sử cho học sinh THPT” với mong muốn đưa thêm một số giải pháp hữu hiệu góp phần đổi mới phương pháp dạy học lịch sử, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
1.2. Mục tiêu, ý nghĩa, tính mới của đề tài
1.2. 1. Mục tiêu
Sáng kiến được viết nhằm bổ sung và nâng cao cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng mô hình câu lạc bộ trong trường học phổ thông.
Đưa ra một số giải pháp góp phần khắc phục hạn chế trong học tập môn Lịch sử, từng bước nâng cao hiệu quả giáo dục.
Tạo hứng thú trong học tập môn Lịch sử, giúp học sinh được trải nghiệm học tập thông qua hình thức mới.
Hình thành và phát triển một số phẩm chất năng lực của học sinh: tự tin; có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng; năng lực giao tiếp; hợp tác, cách tổ chức các hoạt động tập thể, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng những thay đổi trong bối cảnh mới.
Tạo cơ sở lựa chọn những học sinh đam mê, có năng lực trong bộ môn Lịch sử để tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp.
Nâng cao chất lượng thi Tốt nghiệp THPT, thi vào các trường đại học, cao đẳng.
1.2.3. Tính mới của đề tài
Cung cấp thêm phương pháp học tập mới nhằm nâng cao hứng thú học tập môn lịch sử cho học sinh THPT.
Phát triển các kĩ năng mềm cho học sinh nhằm đáp ứng phẩm chất công dân trong thời đại 4.0.
1.3. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu chủ yếu dựa trên phương pháp nghiên cứu bộ môn:
Đọc và phân tích các tài liệu về lý luận dạy học lịch sử, tâm lý, giáo dục học.
Phương pháp thực nghiệm: tổ chức các hoạt động ngoại khóa câu lạc bộ theo các chủ đề.
Phương pháp điều tra, phỏng vấn, thu thập thông tin, xử lí số liệu: Đề tài đã sử dụng phương pháp trong quá trình điều tra thực trạng dạy học lịch sử tại trường THPT Diễn Châu 3, phỏng vấn học sinh.
Phương pháp tham chiếu: dựa trên các số liệu đánh giá hứng thú học tập học sinh và hiệu quả của sáng kiến.
Tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các giáo viên bộ môn, giáo viên trong trường và học sinh để có căn cứ nghiên cứu.
1.4. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu áp dụng cho học sinh 3 khối tại trường trong năm học 2020 – 2021.
Phạm vi và khả năng nhân rộng cho các đối tượng học sinh, áp dụng cho học sinh đại trà ở các trường THPT.
PHẦN II. NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức câu lạc bộ ở trường phổ thông
2.1.1 Cơ sở lý luận
2.1.1.1 Khái niệm câu lạc bộ trong trường phổ thông
Câu lạc bộ (CLB) là khái niệm định nghĩa một nhóm các cá nhân tự nguyện tham gia vào một thỏa thuận hợp pháp vì lợi ích và mục tiêu chung, dựa trên những người có cùng sở thích thuộc các lĩnh vực khác nhau trong xã hội
Phương pháp tổ chức CLB trong trường phổ thông là một hình thức hoạt động nhóm học sinh theo sở thích, là cách thức nhà giáo tập hợp những học sinh cùng sở thích, sở trường hoặc năng khiếu về một lĩnh vực hoặc chuyên đề nhất định, tổ chức học sinh hoạt động cùng nhau hoạt động để phát triển sở trường, năng khiếu về các lĩnh vực yêu thích đó.
Mô hình CLB trong trường học được tổ chức và quản lý dưới sự cố vấn của giáo viên, chịu sự chỉ đạo của Ban giám hiệu.
Trong lịch sử giáo dục thế giới, CLB của học sinh trong trường học đã được hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay. Các trường đều tổ chức các CLB để học sinh tham gia và phát triển năng khiếu, đam mê của mình.
Ở Việt Nam, những năm học qua, mô hình CLB trường học được thành lập góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Dưới nhiều loại hình khác nhau như CLB văn hóa nghệ thuật, CLB thể dục thể thao, CLB học thuật, CLB thiện nguyện, CLB em yêu Lịch sử….mô hình CLB đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành viên. Nhiều trường học đã khuyến khích mỗi học sinh tham gia vào một CLB, tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, học hỏi, rèn luyện kĩ năng sống, phát triển nhân cách, đạo đức.
– CLB là một loại hình hoạt động tự nguyện, tự chọn, không bắt buộc.
– CLB là nơi tập hợp học sinh có cùng sở thích, có nhiều độ tuổi, nhiều giới với nhiều cương vị khác nhau nhằm một mục đích nhất định và thường được tổ chức ngoài giờ chính khóa.
– CLB vừa là một tổ chức của các tổ chức đoàn thể học sinh, vừa là một phương thức hoạt động để hổ trợ giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng và phức tạp của học sinh.
– CLB là nơi có những hoạt động phong phú, phù hợp với các nhu cầu lợi ích của thanh thiếu niên, tạo môi trường cho sáng kiến tài năng và năng khiếu thanh thiếu niên được bộc lộ, phát triển. Bên cạnh đó, định hướng giá trị mới, tạo điều kiện mới cho thanh thiếu niên phát triển về mọi mặt.
CLB vừa là một loại hình tổ chức, vừa là một phương thức hoạt động của tập thể học sinh có ý nghĩa rất tích cực phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo điều kiện, môi trường cho học sinh phát huy năng lực, sở trường, thiên hướng cá nhân.
Hoạt động CLB trong trường phổ thông là một trong bốn loại hình trải nghiệm nhằm góp phần đổi mới chương trình dạy học hiện nay. CLB không trực tiếp thực hiện các mục tiêu của môn học mà chỉ sử dụng kiến thức có được từ các môn học để thực hiện mục tiêu giáo dục mà hoạt động trải nghiệm đặt ra.
Mục đích của CLB nhằm phát huy năng lực, năng khiếu, sở trường cho học sinh. Mặt khác cũng nhằm củng cố, mở rộng cho học sinh những tri thức, kĩ năng sống cần thiết để vận dụng vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách.
Khi học sinh được thể hiện mình, được tu rèn thường xuyên những năng lực, sở trường của mình thì chắc chắn những tiềm năng đó sẽ được đơm hoa, kết trái. Không gian CLB sẽ trở thành môi trường lý tưởng chắp cánh những khả năng, sức sáng tạo của các em học sinh. Việc duy trì, phát triển CLB chính là tạo dựng mội trường giáo dục thực sự “an toàn”, thân thiện giúp học sinh thêm gắn bó với trường, lớp, bạn bè, hạn chế thời gian dư thừa hoặc sa đà vào những trò chơi, thói hư tật xấu.
Thông qua hoạt động của các CLB, giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh hiểu và quan tâm hơn đến nhu cầu nguyện vọng và mục đích chính đáng của học sinh.
2.1.2. Thực tiễn xây dựng và tổ chức hoạt động câu lạc bộ Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay.
2.1.2.1 Thực tiễn xây dựng, tổ chức hoạt động CLB Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay.
Lịch sử là môn học giữ vai trò quan trọng, góp phần phát triển tầm nhìn, củng cố những giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái, hình thành những phẩm chất công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Tuy nhiên do tác động của cơ chế thị trường, yêu cầu nghề nghiệp và việc vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống còn mờ nhạt nên bộ môn lịch sử chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, mặc dù hiện nay trong các trường THPT, rất nhiều CLB được thành lập nhằm rèn luyện kĩ năng, cung cấp kiến thức văn hóa – xã hội cho học sinh như CLB nghệ thuật ( múa, đàn, nhảy erobic..); CLB thể thao (bóng đá, bóng chuyền…); CLB văn hóa (CLB Tiếng Anh, CLB Toán học tuổi trẻ, CLB Văn học…) nhưng quên mất vị trí, vai trò của CLB Lịch sử. Mô hình CLB Lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay rất ít.
2.1.2.2 Thực trạng xây dựng và phát triển các CLB của trường THPT nơi công tác
* Công tác giáo dục toàn diện
Trường THPT nơi tôi công tác được thành lập năm 1981, với quy mô hiện nay là 39 lớp chia đều cho 3 khối với hơn 1.500 học sinh. Trường luôn nằm trong tốp đầu về học sinh giỏi cấp tỉnh, đặc biệt trong năm học 2020 – 2021 trường đứng thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ học sinh giỏi.
Để gặt hái được những thành quả đó, Nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của năm học đề ra những nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của trường. Luôn quan tâm đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, xây dựng môi trường học đường thân thiện, an toàn và hạnh phúc. Là một trường có kỷ cương, nề nếp giáo dục tốt cả đức dục và trí dục, học sinh của trường có ý thức trong việc thực hiện nề nếp, nhà trường là một điểm sáng của huyện về công tác an ninh trường học, trường liên tục được Ủy ban Nhân dân huyện tặng giấy khen về công tác an ninh – quốc phòng.
Năm học 2019 – 2020 trường được SGD&ĐT Nghệ An chọn làm thí điểm xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Đây chính là mục tiêu đồng thời là động lực lớn để đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới về phương pháp dạy học.
* Các loại hình CLB ở trường THPT nơi tôi công tác
Ngoài hoạt động dạy và học, nhà trường còn tổ chức tốt các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh như tổ chức các cuộc thi “Tài trí học đường”, “Rung chuông vàng”, hát dân ca….Nhiều mô hình CLB đã được thành lập : Câu lạc bộ đàn, CLB Sáo, CLB võ thuật, CLB nhảy, CLB nhiếp ảnh…
Một số CLB đi vào hoạt động nề nếp, thường xuyên đạt những hiệu quả nhất định, hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng như CLB diễn xuất, CLB tự nhiên. Tuy nhiên, ý định thành lập CLB Lịch sử vẫn chưa thành hiện thực. Các hoạt động trao đổi, thảo luận của học sinh đối với bộ môn chỉ là một số nhóm nhỏ, được hình thành mang tính tự phát vào các thời điểm ôn thi học sinh giỏi hoặc ôn tập thi trung học phổ thông quốc gia.
Ý tưởng đề xuất thành lập một CLB Lịch sử đã gặp nhiều khó khăn. Khi tiến hành thăm dò, khảo sát thực trạng thái độ học sinh về tham gia và nhu cầu thành lập CLB Lịch sử tại nơi công tác, tôi nhận được kết quả:
Đối tượng khảo sát | Thái độ tham gia | Nhu cầu thành lập CLB | |||
Thích tham gia câu lạc bộ | Không thích tham gia câu lạc bộ | Rất cần thiết | Cần thiết | Không cần thiết | |
Khối 10, 11 – 100 HS | 32 | 68 | 19 | 32 | 49 |
Khối 12 –
100 HS |
29 | 71 | 17 | 30 | 53 |
Thực tế trên phản ánh khách quan về sức hấp dẫn của bộ môn Lịch sử và mức độ quan tâm của học sinh về việc thành lập CLB. Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nhiều phía.
Về phía học sinh, việc tổ chức thi trắc nghiệm trong kì thi THPTQG, ít nhiều có sự may rủi đã tạo cho học sinh tâm lí chủ quan, thờ ơ với bộ môn Lịch sử. Học sinh không có nhiều quỹ thời gian để sinh hoạt CLB, bản thân các em còn rụt rè, thiếu tự tin, kĩ năng giao tiếp, ứng xử còn hạn chế. Số học sinh thực sự đam mê với bộ môn rất hiếm hoi.
Về phía các giáo viên Lịch sử, những hạn chế trong mức thu nhập và vị trí xã hội đã ít nhiều tác động đến sự đổi mới trong giảng dạy. Tổ chức CLB Lịch sử cho học sinh 3 khối với quy mô của trường 39 lớp là việc khó khăn. Bên cạnh đó, công đoạn nuôi dưỡng CLB, tạo “ lửa đam mê” để duy trì sức sống CLB trong bối cảnh tác động của cơ chế thị trường đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, CLB sẽ tạo sân chơi nhưng học sinh sẽ sao nhãng học tập, mất nhiều thời gian, nhiều phụ huynh còn chưa nhận thấy đó là một phương pháp dạy học.
Vì vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, xây dựng một trường học hạnh phúc, đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng về mọi mặt học tập, lao động, vui chơi; giáo dục những giá trị cốt lõi mà môn Lịch sử đảm nhiệm việc cần thiết phải đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học. Trong đó, CLB là một mô hình tổ chức dạy học đem lại nhiều trải nghiệm mới lạ, hiệu quả thiết thực, phát triển toàn năng cho học sinh đã được nhiều bộ môn trong nhà trường lựa chọn.
2.2. Một số giải pháp xây dựng, tổ chức CLB Lịch sử ở trường phổ thông nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh.
2.2.1 Công tác chuẩn bị thành lập CLB
Để hình thành CLB Lịch sử cũng như các mô hình CLB khác trong trường học, điều cơ bản đầu tiên là có sự chỉ đạo, ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường, quyết tâm của các giáo viên bộ môn, sự đồng tình của các giáo viên trong trường. Đặc biệt thành viên chính – các em học sinh cùng với sự đồng thuận của phụ huynh.
* Công tác tuyên truyền
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh về vị trí, vai trò của việc tổ chức các hoạt động CLB trong trường học. Xuất phát từ điều đó, các giáo viên bộ môn lịch sử đã kết hợp với một số học sinh thành lập Ban tuyên truyền lâm thời hoạt động CLB.
Thành phần Ban tuyên truyền lâm thời ban đầu là những học sinh tích cực, đam mê môn lịch sử ở các lớp có nguyện vọng thi ban Xã hội trong kì thi trung học phổ thông thuộc cả 3 khối. Hình thức thực hiện chủ yếu: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua các trang mạng xã hội.
– Tuyên truyền trực tiếp: Được tiến hành trong các giờ ra chơi 5 phút, giờ sinh hoạt 15 phút.
– Tuyên truyền qua các trang mạng: Trong điều kiện hiện nay khi hầu hết học sinh trung học phổ thông đều sử dụng điện thoại thông minh và tham gia vào các trang mạng xã hội, Ban tuyên truyền đã lập ra một trang page CLB Lịch sử. Những mini game đã được tổ chức nhằm thu hút thành viên đồng thời giúp các em nhận thức sâu sắc hơn vai trò CLB.
Trên trang page CLB đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học sinh trong trường và cựu học sinh. Tính đến thời điểm ra mắt, CLB đã thu hút được 121 thành viên tham gia. Dựa trên bản đăng kí, giáo viên đã tập hợp danh sách thành viên, dự kiến cơ cấu tổ chức nhân sự theo nguyện vọng của học sinh.
* Chuẩn bị văn bản:
– Tiếp nhận quyết định thành lập của Ban giám hiệu (phụ lục 2 ).
– Thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động trình Ban giám hiệu phê duyệt (phụ lục 3)
Ngoài hội ý, thảo luận kế hoạch hoạt động, các thành viên CLB xây dựng quy chế hoạt động CLB đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ (phụ lục 4)
* Công tác tổ chức
Trong CLB, việc phân công, sử dụng thành viên hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của CLB, việc hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Tổ chức nhân sự phù hợp sẽ góp phần khai thác năng lực của học sinh, trí tuệ và tài năng của CLB, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết của mọi thành viên. Hơn thế, việc phân công sắp xếp công việc hợp lí sẽ tạo là động lực thúc đẩy sự phát triển năng lực, phát huy được tối đa khả năng, mặt mạnh, sở trường, đam mê của mỗi cá nhân.
Việc tổ chức nhân sự cho CLB được dựa vào những năng khiếu, sở trường, những vị trí tự ứng cử của thành viên trong bản đăng kí tham gia CLB; qua quá trình theo dõi của giáo viên trong công tác giảng dạy, những tìm hiểu từ đồng nghiệp, học sinh. Tuy không phải là những tiêu chí bắt buộc nhưng là kênh thông tin tạo cơ sở lựa chọn, nếu khai thác tốt sẽ giúp cho bộ máy CLB hoạt động hiệu quả hơn.
– Ban cố vấn: Gồm các giáo viên bộ môn Lịch sử sẽ quản lí về nội dung chương trình, nhân sự, phê duyệt các chương trình hoạt động. Đồng thời gợi ý, tư vấn về chủ đề hoạt động, nội dung, hình thức hoạt động hoặc cách xử lí khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và thực hiện hoạt động.
– Ban chủ nhiệm CLB: Được lựa chọn trên cơ sở vị trí ứng cử của thành viên trong bản đăng kí, có năng lực học tập, năng lực tổ chức, qua sự tư vấn của giáo viên và học sinh. Số lượng cụ thể gồm 5 học sinh đại diện cho 3 khối: Nguyễn Thị Ngọc Ánh (học sinh 12D1- trưởng ban); Phan Thị Quỳnh Anh (học sinh 10A2- Ban viên); Nguyễn Thiên Ban (học sinh 11D1- Ban viên) và 2 HS phụ trách chung (Dương Thị Thanh Trúc – 11A3, Trương Như Quỳnh- 12D1).
Ban chủ nhiệm có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lí thành viên CLB ; Tuyên truyền, cổ động và liên lạc với các thành viên khi cần ; nắm bắt chủ trương, tình hình hoạt động của CLB để triển khai, điều chỉnh kịp thời.
Ngoài ra còn có các tiểu ban hoạt động.
+ Tiểu ban biên tập nội dung (số lượng 5 học sinh): Được lựa chọn từ vị trí ứng cử, có năng lực học tập và định hướng ban nghành khoa học xã hội, dưới sự giới thiệu của ban cố vấn, ban chủ nhiệm. Tiểu ban biên tập phụ trách viết bài, lựa chọn thông tin đưa lên trang truyền thông hàng tháng; Quản trị viên trang Facebook của CLB; Triển khai các cuộc thi trên trang Facebook của CLB; Phụ trách chấm bài các cuộc thi, lựa chọn các bài viết tiêu biểu giới thiệu trước giờ chào cờ, hoặc công bố trên trang thông tin Facebook; duyệt nội dung, chạy chương trình trong các hoạt động ngoại khóa.
+ Tiểu ban truyền thông (số lượng 5 học sinh): Thành viên là những học sinh có khả năng giao tiếp, ứng xử, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo. Tiểu ban truyền thông chịu trách nhiệm đưa bài viết, các hình ảnh hoạt động thường niên, hoạt động ngoại khóa của CLB; Quản trị viên trang Facebook của CLB. Ngoài ra sẽ cùng tiểu ban biên tập thiết kế các cuộc thi.
+ Tiểu ban diễn xuất: Chủ yếu là những học sinh có sở thích ca hát, tài năng nghệ thuật. Nhiệm vụ chính sẽ cùng tiểu ban biên tập viết kịch bản, lựa chọn hình thức thể hiện trong các hoạt động ngoại khóa CLB.
Bên cạnh các tiểu ban, từ bản đăng kí tham gia CLB của các thành viên, học sinh đã đề đạt nhiều vị trí hoạt động khác nhau như: phụ trách âm thanh cho các hoạt động nghệ thuật ( Học sinh Trần Đức Bắc – 11A8, học sinh Nguyễn Đình Thế – 10A9…), thiết kế các đạo cụ (Học sinh Hoàng Minh Hương -12D1, Nguyễn Thị Thảo – 11A4…), phụ trách hội họa (Học sinh Nguyễn Minh Tâm – 11A8…). Nhiều học sinh cũng mong muốn được thử vai những người dẫn chương trình chuyên nghiệp (Học sinh Chu Thanh Lâm – 12A2, Nguyễn Thị Thanh Thanh 10D2,…), chuyên quay phim, chụp ảnh (Học sinh Vũ Thị Thành -12A2, Hoàng Minh Huy- 12A1…). Mỗi vị trí đã tạo nên một màu sắc riêng để CLB có thể đi vào hoạt động đa dạng, phong phú, nghiêm túc và hiệu quả hơn.
* Huy động, xây dựng nguồn kinh phí
Nhằm duy trì hoạt động CLB có hiệu quả Ban cố vấn và Ban chủ nhiệm căn cứ vào kế hoạch hoạt động dự trù nguồn kinh phí cụ thể. Nguồn quỹ một phần nhỏ do các thành viên đóng góp, bên cạnh đó được huy động từ nhà trường, sự ủng hộ của các Ban ngành đoàn thể, quý phụ huynh và các nhà tài trợ. Tuy nhiên, để lâu dài, trong kế hoạch, Ban chủ nhiệm còn dự tính các hoạt động nhằm gây quỹ (nhận chăm sóc cây cảnh; tham gia các hội chợ do Đoàn trường tổ chức…)
Công ty may Việt Hàn tài trợ áo đồng phục cho CLB Lịch sử
Vượt qua những khó khăn, trong vòng 1 tuần lễ, các công đoạn chuẩn bị cho hoạt động ra mắt như lựa chọn nhân vật, trang phục, đạo cụ, âm thanh, maket… được triển khai nhanh chóng. Ngay cả giờ giấc tập luyện cũng được Ban chủ nhiệm liên hệ từng buổi, cân nhắc kĩ lưỡng nhằm phù hợp với nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Để không bị chồng chéo thời gian, con người, Ban chủ nhiệm cùng tiểu ban diễn xuất phân công thành các nhóm, phụ trách nhiều mảng (đạo cụ sân khấu hóa, tranh ảnh minh họa, âm thanh, lồng tiếng, diễn viên…). Qua hoạt động, học sinh đã rèn luyện được kĩ năng tổ chức, trang bị những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho một hoạt động ngoại khóa.
Niềm vui chờ đợi ngày ra mắt CLB của ban chủ nhiệm, tiểu ban phụ trách và các thành viên là sự khích lệ, đem lại những giá trị tinh thần to lớn trong công tác giảng dạy của các giáo viên lịch sử.
2.2.2. Tổ chức ra mắt CLB
Hoạt động ra mắt là sự kiện có ý nghĩa lớn trong chuỗi chương trình hoạt động của CLB khởi đầu cho quá trình xây dựng môi trường học tập mới cho học sinh.
Việc ra mắt góp phần lan tỏa ý nghĩa việc thành lập CLB cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh ; tạo ấn tượng đầu tiên về CLB, thể hiện tính nghiêm túc của tổ chức CLB trong sinh hoạt nhưng mang tính nghệ thuật cao.
Tổ chức ra mắt CLB với con số 121 thành viên đến từ nhiều lớp, nhiều khối, nhiều ban khác nhau đòi hỏi các em phải có tinh thần, trách nhiệm tập thể. Vì vậy, đã rèn luyện cho học sinh kỹ năng sinh hoạt nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức.
Chương trình lễ ra mắt bao gồm:
– Khai mạc, tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu.
– Đọc quyết định thành lập CLB và Ban Chủ nhiệm CLB.
– Giới thiệu nội quy, quy chế CLB.
– Công bố nội dung, chương trình hoạt động CLB trong thời gian tới.
– Đại diện nhà trường phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ.
– Biểu diễn tiểu phẩm về một nội dung lịch sử đã được sân khấu hóa.
Lễ ra mắt CLB Lịch sử
Buổi ra mắt diễn ra trong không khí trang trọng, đầy tự hào. Những dòng chữ trong sách giáo khoa khô cứng được các em thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã tạo hiệu ứng lan tỏa lớn. Sau buổi lễ, số lượng đăng kí thành viên CLB đã tăng lên từ 121 lên 198 thành viên. Ngoài những bản đăng kí của học sinh, Ban chủ nhiệm còn nhận được những tin nhắn của phụ huynh động viên, khích lệ tinh thần cho con em mình tham gia CLB.
Thành công buổi ra mắt đã trở thành động lực để các thành viên CLB không ngừng cố gắng xây dựng, tìm kiếm những giải pháp tổ chức hoạt động mới lạ, nội dung sinh hoạt phong phú và chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển năng lực của mỗi học sinh; từng bước hiện thực hóa vai trò của CLB trong việc đem lại hứng thú học tập đối với bộ môn.
Ban đại diện hội phụ huynh tặng quà động viên khích lệ CLB và những dòng gửi gắm của quý phụ huynh.
2.2.3. Các hình thức tổ chức hoạt động
2.2.3.1. Sân khấu hóa
* Sân khấu hóa là tổ chức cho học sinh trải nghiệm bằng cách chuyển hóa các nội dung giáo dục các cốt truyện, các tác phẩm, các ý tưởng của học sinh về một chủ đề nhất định thông qua sự phối hợp, hóa thân của nhiều học sinh vào các nhân vật để chuyển tải thông điệp giáo dục. Đây là hoạt động có ý nghĩa lớn đến sự phát triển phẩm chất, năng lực học sinh như trách nhiệm, chăm chỉ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thiết kế và tổ chức hoạt động… Bên cạnh đó còn tác động hình thành và phát triển những năng lực về ngôn ngữ, xây dựng kịch bản, âm nhạc, hội họa, giao tiếp phi ngôn ngữ… cho học sinh.
* Cách tổ chức sân khấu hóa các nội dung lịch sử
– Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kịch bản và phân công nhiệm vụ
Xây dựng kế hoạch là khâu đầu tiên và quan trọng trong quy trình tổ chức sân khấu hóa, giúp giáo viên và học sinh xác định những công việc mình sẽ thực hiện và cách thức tốt nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Xây dựng kế hoạch tổ chức sân khấu hóa bao gồm các hoạt động cụ thể sau:
+ Xác định mục tiêu: sân khấu hóa nội dung lịch sử ngoài đem đến cho các em học sinh một cách tiếp cận lịch sử mới, thoát khỏi những dòng chữ khô khan, những con số thống kê khó nhớ trong sách giáo khoa còn pháy huy được năng lực, phẩm chất học sinh. Việc tổ chức sân khấu hóa cũng chính là tạo ra sân chơi cho các học sinh có năng khiếu nghệ thuật, tài năng tổ chức các hoạt động có cơ hội thể hiện, thử sức bản thân. Từ đó, giáo dục lòng tự tôn dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, sân khấu hóa cũng nhằm thu hút sự quan tâm học sinh đối với CLB Lịch sử.
+ Lựa chọn chủ đề và chuẩn bị kịch bản: Chủ đề liên quan nội dung lịch sử dân tộc trong chương trình học hoặc lịch sử địa phương, những vấn đề thời sự đương thời. Ban chủ nhiệm CLB đã phát động xây dựng ý tưởng, kịch bản cho các chủ đề sân khấu hóa.
Mỗi bài viết là một ý tưởng khác nhau song cho thấy việc nhìn nhận sâu sắc của các em đối với lịch sử dân tộc. Nội dung kịch bản được viết chi tiết gồm cả mục đích, nội dung, các nhân vật, phân cảnh cụ thể. Những bài viết đã được ban cố vấn phê duyệt, được lên ý tưởng thực hiện.
+ Phân công nhiệm vụ cho các thành viên : Để hoạt động sân khấu hóa thành công, những thông điệp giáo dục được truyền tải đầy đủ đến khán giả, việc phân công nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là các thành viên được lựa chọn để tham gia diễn xuất. Khi lựa chọn diễn viên, phải đảm bảo diễn viên nhận thức được mục tiêu học tập, hướng phát triển của vở diễn và có khả năng diễn xuất tốt, lôi cuốn người tham gia.
– Tập luyện diễn xuất theo kịch bản
– Tổ chức biểu diễn và tổng kết, đánh giá
Sau khi hoạt động sân khấu hóa kết thúc, cần có thảo luận buổi diễn để đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm hoạt động, đưa ra hướng giải quyết vấn đề của thành viên và tổng kết, đánh giá của ban cố vấn, ban chủ nhiệm; kịp thời động viên, khích lệ tinh thần thành viên.
Một số ý tưởng và kịch bản sân khấu hóa nội dung lịch sử của CLB
Tiểu phẩm “Truông Bồn khúc tráng ca”
Một buổi tập luyện cho hoạt cảnh
“Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ”
Trong kế hoạch hoạt động CLB, hình thức sân khấu hóa sẽ được triển khai vào dịp ra mắt, các buổi ngoại khóa hoặc lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ lên lớp nhân các ngày lễ lớn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh covid, một số hoạt cảnh, tiểu phẩm đã không có cơ hội biểu diễn. Việc trực tiếp hóa thân vào các nhân vật lịch sử trong lúc tập luyện hay khi biểu diễn trước toàn trường đã giúp các em phần nào cảm nhận được sự hy sinh của cha ông, của các anh hùng để bảo vệ đất nước. Những giá trị truyền thống của dân tộc, những chuẩn mực đạo đức của một công dân Việt Nam ít nhiều đi vào tâm thức các em để biến thành hành động tốt đẹp và lan tỏa đến gia đình, cộng đồng. Từ hoạt động này, đã bổ sung thêm nhiều tài năng nghệ thuật vào đội văn nghệ nhà trường, tạo không gian cho các em được thể hiện đam mê.
Công cuộc đổi mới giáo dục là một sự thay đổi toàn diện về nội dung chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra bước ngoặt to lớn đối với cả quá trình đó. Nếu thử nghĩ về hoạt động yêu thích hiện nay của học sinh chắc chắn sẽ đi đến một câu trả lời : mạng xã hội. Quyền năng mê hoặc của nó đã thu hút học sinh ở mọi lứa tuổi, mọi vùng miền.
Trên địa bàn một vùng nông thôn nhưng kinh tế khá phát triển, hầu hết học sinh trường THPT nơi tôi công tác đều sử dụng điện thoại thông minh và tham gia vào các trang mạng xã hội. Phân tích những lợi ích mạng xã hội đem lại, hướng tới phát triển kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, ban cố vấn, ban chủ nhiệm CLB lựa chọn mạng xã hội là một hình thức hoạt động CLB.
* Mục đích: Sử dụng mạng xã hội để thu hút thành viên, tuyên truyền các hoạt động của CLB; phát triển khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, rèn luyện kĩ năng làm chủ bản thân, kĩ năng thiết kế, viết bài…. Đây chính là kênh kết nối các thành viên và triển khai các hoạt động của CLB.
* Cách thức tiến hành
– Lựa chọn nội dung, chủ đề: Việc sử dụng mạng xã hội trong CLB ngoài việc tổ chức cho tất cả thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, CLB còn lan tỏa những giá trị hoạt động đến các học sinh khác. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung, chủ đề hoạt động sẽ liên quan đến nội dung chương trình bộ môn lịch sử khối 10, 11, 12 và những thông tin, tư liệu lịch sử phục vụ mục đích học tập, mang tính thời sự của đất nước và phù hợp với tất cả đối tượng học sinh. Nội dung chủ đề và bài viết được Ban cố vấn, tiểu ban nội dung, tiểu ban biên tập phê duyệt, triển khai thực hiện.
– Lựa chọn hình thức: Trên tinh thần khích lệ học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả, đúng mục đích, CLB đã triển khai nhiều hình thức sinh hoạt qua mạng xã hội như:
+ Tổ chức viết các blog liên quan đến bài học, chủ đề cụ thể, thể hiện cảm nhận của cá nhân đối với bài học, chủ đề đó.
+ Thiết kế video cho một chủ đề do ban chủ nhiệm đưa ra.
+ Khai thác, sưu tầm tài liệu liên quan đến các sự kiện, bài học lịch sử (chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 trong chương trình lịch sử 12; tìm hiểu về các công trình văn hóa của Việt Nam thế kỉ XVI – XVII trong chương trình lịch sử lớp 10…).
+ Tổ chức sưu tầm, triển lãm ảnh trực tuyến về các nội dung lịch sử trong chương trình học
+ Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn lịch sử, kinh nghiệm ôn thi học sinh giỏi.
+ Viết bài về các vấn đề mang tính thời sự….
– Tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động
Những bài viết, các sản phẩm của thành viên CLB sẽ được gửi và đăng vào trang page riêng của CLB. Ban chủ nhiệm và các tiểu ban thu thập làm thông tin đánh giá gửi về ban cố vấn. Sau mỗi hoạt động, ban chủ nhiệm sẽ nhận xét, nêu gương những thành viên tiêu biểu trong các buổi sinh hoạt.
Ngoài ra, trang page còn là nơi ghi dấu những hình ảnh, chương trình hoạt động CLB nhằm ghi nhận những thành quả, rút kinh nghiệm cho các hoạt động sau. Đồng thời, làm kênh thông tin đánh giá thái độ, tinh thần tham gia của học sinh. Trên trang page, CLB cũng đã nhận được nhiều bài viết từ cựu học sinh nhà trường về kinh nghiệm ôn thi học sinh giỏi, các tư liệu lịch sử.
Sử dụng mạng xã hội trong sinh hoạt CLB
Quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, CLB đã nhận được nhiều bài viết, vi deo được các em chuẩn bị, thiết kế công phu. Những nội dung được trình duyệt ban cố vấn, ban chủ nhiệm đã tạo cho các em thói quen có trách nhiệm trong công việc, tôn trọng độc giả. Quan trọng hơn, từ những bài viết do các em yêu thích, tự chọn đã củng cố sâu sắc tri thức lịch sử cho học sinh.
2.2.3.3. Tổ chức trò chơi
* Tổ chức trò chơi là cách thức tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề hay thực hiện những hành động, việc làm hoặc hình thành thái độ thông qua một trò chơi cụ thể. Phương pháp này có nhiều chức năng như chức năng giáo dục những giá trị bộ môn, rèn luyện chức năng giao tiếp, chức năng văn hóa, chức năng giải trí.
+ Xác định đối tượng và mục đích: Việc tổ chức các trò chơi lịch sử sẽ phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau và trong nhiều không gian như trên trang page CLB, hoặc lồng ghép vào các buổi hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tương tác với khán giả trong buổi biểu diễn sân khấu hóa nội dung lịch sử…
Để phù hợp với thời gian học tập, không gian trường học với số lượng đông, CLB đã đưa ra cách thức thiết kế các mini game trên trang page CLB làm hoạt động thường xuyên.
+ Nội dung: Tìm hiểu nhân vật, sự kiện, chủ đề lịch sử … gắn với chương trình học hoặc vấn đề thời .
+ Phân công nhiệm vụ: Điều hành hoạt động trò chơi hoặc thiết kế các mini game được phân công cho những học sinh có khả năng tự tin, nhanh nhẹn, khả năng tổ chức hoạt động và có khiếu hài hước, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.
– Tổ chức thực hiện
Các mini game sau khi thiết kế sẽ được ban cố vấn phê duyệt và tiểu ban truyền thông đưa tin lên trang page CLB. Mọi thông tin cần làm rõ : chủ đề trò chơi, mục đích, đối tượng tham gia, thời gian, hình thức tham gia, giải thưởng và nội dung mini game.
– Đánh giá, tổng kết
Sau khi các mini game kết thúc theo thời gian đã công bố, tiểu ban nội dung và trưởng khối phụ trách trò chơi tiến hành tập hợp các bài đã dự thi và chấm bài. Kết quả của các trò chơi sẽ được công bố cụ thể trên trang facebook. Giải thưởng và phần thưởng sẽ được Ban chủ nhiệm và Ban cố vấn trao giải. Những bài tham dự chưa đạt giải được thống kê báo cáo cho Ban cố vấn để có hình thức khuyến khích, động viên phù hợp.
Ngoài ra các trò chơi lịch sử của CLB được lồng ghép vào hoạt động ngoại khóa của nhà trường, nhiều trò chơi đã được tổ chức như ” Theo dòng lịch sử”, ” đặt tên cho chủ đề”…
Việc tổ chức các trò chơi trong sinh hoạt CLB đã góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học. Trên trang page CLB và trong các hoạt động ngoại khóa, số lượng thành viên không ngừng tăng lên. Những phần thưởng của CLB cho các học sinh tham gia trò chơi dù không nhiều nhưng đã khích lệ niềm yêu thích môn học như nhận xét của một số học sinh đã từng tham gia : Môn sử không chán như em tưởng.
Mini game “Đi tìm nhân vật lịch sử “
2.2.3.4. Trao đổi, thảo luận
* Tổ chức trao đổi, thảo luận các chủ đề là cách tổ chức, hướng dẫn học sinh cùng nhau trao đổi, thảo luận, tranh luận và chia sẻ các vấn đề xoay quanh một chủ đề giáo dục nhất định, từ đó giúp học sinh đạt được một nhận thức chuưg và có được những thái độ phù hợp với những vấn đề đó. Với mục tiêu tạo hứng thú, rèn luyện kĩ năng học và làm bài môn lịch sử, nâng cao chất lượng học tập bộ môn, trong quá trình hoạt động CLB lịch sử tổ chức thảo luận các chủ đề theo tháng, thường được áp dụng cho hai nhóm đối tượng: học sinh khối 12 có nguyện vọng thi THPTQG ban khoa học xã hội và học sinh khối 10, 11 có đam mê, mong muốn thi học sinh giỏi.
* Cách thức tiến hành
– Xây dựng kế hoạch
+ Lựa chọn chủ đề : Căn cứ vào chương trình học hoặc nguyện vọng của các thành viên CLB, ban chủ nhiệm, tiểu ban nội dung lựa chọn các chủ đề hay vấn đề nổi bật, thu hút được sự quan tâm của học sinh hoặc gắn liền với các sự kiện chính trị – xã hội đương thời. Chủ đề được lựa chọn phù hợp với nhu cầu của đối tượng tham gia.
Đối với học sinh lớp 12, ban chủ nhiệm CLB đã lựa chọn các chủ đề nhằm củng cố kĩ năng ôn thi và làm bài thi trắc nghiệm môn lịch sử, lựa chọn một số chủ đề thường được ra trong cấu trúc đề thi THPT Quốc gia để trao đổi, thảo luận như: Các nước Á, Phi , Mĩ Latinh (1945 – 2000); hoạt động của Nguyễn Ái Quốc 1911 – 1930; Các kế hoạch chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (1946 – 1954) và những thắng lợi của ta; Các chiến lược chiến tranh của Mĩ (1954 – 1975) và cuộc chiến đấu của nhân dân ta..
Đối với học sinh lớp 10 – 11, các buổi thảo luận nhằm củng cố cho học sinh kĩ năng làm bài thi môn lịch sử, thảo luận một số vấn đề chuyên sâu như: Văn minh Đại Việt, Các cuộc cách mạng tư sản đầu thời cận đại; Các cuộc chiến tranh thế giới; Cách mạng tháng Mười Nga; Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1858 -1884).
+ Xác định mục tiêu thảo luận: Nêu rõ mục tiêu của buổi thảo luận, tiểu ban nội dung trả lời câu hỏi: Muốn học sinh đạt được gì trong buổi thảo luận, tọa đàm? Các thông điệp và sự kiện liên quan nào mà HS sẽ thu hoạch được khi tham gia?
– Chuẩn bị thảo luận
Ban truyền thông thông báo những nội dung của chủ đề đến HS, thành viên CLB trên trang page hoặc trực tiếp qua các giờ dạy của giáo viên môn lịch sử. Giao trách nhiệm cho Ban nội dung CLB chuẩn bị và triển khai tổ chức thảo luận. Cử người điều khiển thảo luận, cần chú trọng đến những học sinh có năng lực học tập môn lịch sử, đã từng tham gia các kì thi học sinh giỏi ở cấp, lớp dưới, có khả năng tổ chức học tập và trình bày các vấn đề. Giáo viên bộ môn lịch sử sẽ cố vấn, giải đáp những vướng mắc của ban tổ chức trước khi thảo luận, hoặc của các thành viên trong quá trình thảo luận.
– Tổ chức thực hiện: Khi tiến hành thảo luận, Ban tổ chức cử người điều hành. Trong nửa buổi đầu, khuyến khích các thành viên tham gia đưa ra các câu hỏi vướng mắc về chủ đề, nội dung mà bản thân chưa hiểu. Trong nửa buổi sau, tất cả cùng làm việc với nhau, học sinh đóng vai trò chính, giáo viên bộ môn cố vấn.
- Tổng kết, đánh giá
Một số hoạt động thảo luận của CLB Lịch sử
Hoạt động trao đổi, thảo luận đã tạo cơ hội cho HS được bày tỏ những ý kiến, khó khăn trong học tập, những quan điểm của mình để kiểm chứng hay để tự khẳng định và tự điều chỉnh. HS được cùng nhau chia sẻ, trao đổi thông tin, hợp tác để giải quyết các vấn đề, thông qua đó giúp nhau hiểu một cách đúng đắn về những vấn đề được thảo luận. Qua đó, phát triển cho HS các năng lực ngôn ngữ, kĩ năng học tập và làm bài, biết lắng nghe và chia sẻ, biết hợp tác.
Nội dung và cách thức tổ chức của các buổi thảo luận khá đa dạng và phong phú như trong tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp chủ nhiệm lớp hàng tuần, trong loại hình hoạt động giáo dục thường xuyên, trên trang fanpage CLB do đó hình thành được nhiều phẩm chất, năng lực của học sinh như trách nhiệm, nhân ái, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp, thích ứng với cuộc sống.
2.2.3.5 Thực hiện các dự án chuyên đề
* Thực hiện dự án là một hình thức dạy học, trong đó học sinh dưới sự điều khiển và giúp đỡ của GV tự lực giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp không chỉ về mặt lý thuyết mà đặc biệt về mặt thực hành, thông qua đó tạo ra các sản phẩm thực hành có thể giới thiệu, công bố được.
* Cách tiến hành
– Đề xuất ý tưởng và chọn đề tài: Đề tài được Ban tổ chức CLB Lịch sử lựa chọn liên quan đến lịch sử địa phương như tìm hiểu các di tích lịch sử, các dòng họ khoa bảng, nhân vật hiếu học tại nơi em sinh sống. HS là người quyết định lựa chọn đề tài, nhưng phải đảm bảo nội dung phù hợp với mục đích học tập, phù hợp CT và điều kiện thực tế. Để thực hiện dự án, học sinh tự mình tìm kiếm thông tin và giải quyết công việc.
– Lập kế hoạch: Ban tổ chức CLB hướng dẫn các nhóm học sinh lập kế hoạch thực hiện dự án, trong đó học sinh cần xác định chính xác chủ đề, mục tiêu, những công việc cần làm, thời gian và phương pháp thực hiện. Ở giai đoạn này, đòi hỏi ở HS tính tự lực và tính cộng tác để xây dựng kế hoạch của nhóm.
– Phân công nhiệm vụ: Ban chủ nhiệm CLB chia nhóm căn cứ vào số lượng học sinh của CLB đang cư trú tại địa bàn các xã cụ thể và giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh và những yếu tố khác liên quan đến dự án. Ban tổ chức là người đề xướng nhưng cũng cần tạo điều kiện cho HS tự chọn nhóm làm việc. Trưởng nhóm là những học sinh có năng lực học tập bộ môn, năng lực tổ chức, kĩ năng giao tiếp để điều hành thành viên thực hiện.
– Thực hiện dự án: Giai đoạn này, với sự giúp đỡ của Ban cố vấn, Ban chủ nhiệm CLB, học sinh tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ được giao với các HĐ như: đề xuất các phương án giải quyết và kiểm tra, nghiên cứu tài liệu, trao đổi và hợp tác với các thành viên trong nhóm.
– Báo cáo và đánh giá dự án: HS thu thập kết quả, nạp sản phẩm về cho tiểu ban nội dung. Sau đó, tiểu ban nội dung, Ban cố vấn tiến hành đánh giá. Kết quả thực hiện dự án sẽ được dùng đánh giá kết quả kiểm tra thường xuyên của học sinh trong chương trình lịch sử hiện tại đang học
Dự án “Hành trình tìm về di sản lịch sử địa phương” của CLB Lịch sử
Vì dịch bệnh covid hình thức tổ chức dự án của CLB thực hiện chưa được nhiều nhưng qua dự án “Hành trình tìm về di sản” đã rèn luyện cho học sinh kĩ năng tổ chức với vai trò tự lực: tự lực lập kế hoạch, tự lực triển khai, tự thu thập xử lí thông tin, số liệu và tự lực hoàn thành sản phẩm dưới các hình thức khác nhau như bài viết, video…Thông qua dự án trải nghiệm góp phần phát triển các phẩm chất chăm chỉ, trách nhiệm, trung thực, tinh thần hợp tác, giáo dục lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
2.2.3.6. Gắn nội dung hoạt động CLB với thi đua, khen thưởng
Thi đua, khen thưởng là một bộ phận, một nội dung không thể thiếu được trong mọi lĩnh vực và ngày càng trở thành công cụ đắc lực trong công tác giáo dục. Thi đua là hoạt động có tổ chức, với sự tham gia tự nguyện của các cá nhân, tập thể nhằm phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất. Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Mục tiêu của thi đua là nhằm tạo động lực, động viên, khuyến khích cá nhân, tập thể phát huy khả năng, thế mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong mọi nội dung, hình thức hoạt động CLB Lịch sử đều chú trọng đến việc thi đua, khen thưởng.
Việc thi đua, khen thưởng được CLB tiến hành dưới 2 hình thức chủ yếu:
– Thi đua, khen thưởng thường xuyên: hình thức này được thực hiện trong các hoạt động thường xuyên của CLB như trong các mini game, các cuộc thi, các bài viết trên trang page.
– Thi đua, khen thưởng theo đợt: thường gắn với các sinh hoạt định kì, hoặc sau khi kết thúc các dự án hoạt động của CLB, các hoạt động ngoại khóa (Thi đua “Hoa điểm 10” trong kì thi cuối kì 1…)
Cơ sở thực hiện thi đua, khen thưởng tùy thuộc vào từng nội dung hoạt động cụ thể. Trên tinh thần tạo niềm vui đến trường, niềm vui trong học tập, hoạt động thi đua, khen thưởng của CLB sẽ tuyên dương tinh thần trách nhiệm của thành viên tham gia, khen thưởng những bài viết, sản phẩm đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, sản phẩm hoạt động của các thành viên còn được ban cố vấn sử dụng cho kết quả kiểm tra thường xuyên. Cuối năm học, qua theo dõi hoạt động dựa vào các bảng kiểm, phiếu tự đánh giá, theo dõi của ban chủ nhiệm và ban cố vấn, những thành viên tích cực sẽ được đề nghị lên Nhà trường xem xét, khen thưởng.
Những thành viên tiêu biểu trong hoạt động ra mắt CLB
Trong hoạt động CLB, việc làm tốt công tác thi đua, khen thưởng không những góp phần tạo động lực cho sự phát triển của CLB, hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra mà qua đó những nhân tố tích cực được phát hiện và khen thưởng kịp thời sẽ tác động không nhỏ, động viên tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự say mê sáng tạo, phát triển năng lực của thành viên. Vì vậy với quyền hạn của ban cố vấn, ban chủ nhiệm và nguồn kinh phí còn hạn chế trong suốt thời gian qua, thi đua, khen thưởng luôn gắn với các nội dung hoạt động CLB.
2.3. Kết quả thực hiện đề tài
* Nhận xét kết quả đề tài
Rất may mắn cho bộ môn Lịch sử đã được nhà trường quan tâm, qua gần 1 năm thực hiện CLB đã gặt hái được nhiều kết quả.
CLB đã thu hút được khá đông học sinh tham gia; thiện cảm của học sinh đối với bộ môn tăng lên. Các hoạt động của CLB qua các hình thức sân khấu hóa, trò chơi, thực hiện dự án đã lan tỏa đến sự thay đổi trong cách tổ chức hoạt động của CLB khác và hoạt động văn hóa – văn nghệ của nhà trường.
Bên cạnh đó chất lượng bộ môn có sự thay đổi qua các kì khảo sát từ 4.25 điểm (học kì 1 năm học 2019- 2020), cùng kì năm học 2020 – 2021 con số này là 5.1. Tuy chưa mang tính đột phá nhưng đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và tư duy tìm kiếm tri thức, phản biện lịch sử của học sinh. Số lượng học sinh đăng kí thi tổ hợp KHXH đã có sự chuyển dịch vào các buổi học ôn tập.
Mặc dù số lượng học sinh thực sự đam mê môn Lịch sử không nhiều, nhưng sau khi hoạt động với số lượng thành viên tăng lên, với sự chờ đón của HS trong trường khi CLB tổ chức ngoại khóa đã góp phần hướng tới những giá trị tốt đẹp, định hướng cho những hành động tốt đẹp và hoàn thiện phẩm chất nhân cách công dân.
Nhiều học sinh tham gia không vì đạt kết quả cao trong các kì thi, nhưng vì cảm thấy thích thú, được thể hiện năng lực và thử sức bản thân trong các hoạt động trải nghiệm của CLB đã góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn, tinh thần tự hào, tạo niềm tin của các em vào chế độ, vào nền giáo dục đang từng bước thay đổi. Ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những chuyển biến đó đã phần nào minh chứng cho sự thay đổi nhận thức của học sinh, gia đình, xã hội về bộ môn.
Bảng 1. Mức độ yêu thích bộ môn Lịch sử của học sinh trong năm học
2020 – 2021
Nội dung thực nghiệm | Số lượng khảo sát | Mức độ | Thời điểm | |
Trước khi thành lập CLB (tháng 9/2020) | Sau khi thành lập CLB (đến tháng 2/2021) | |||
Mức độ yêu thích môn Lịch sử | 500 HS | Rất thích | 118 | 276 |
Thích | 136 | 113 | ||
Không thích | 246 | 121 |
Bảng 2. Số lượng thành viên CLB trong năm học 2020 – 2021
Nội dung thực nghiệm | Thời điểm | |
Trước khi ra mắt CLB
(Trước tháng 10/2020) |
Sau khi hoạt động CLB
(Từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021) |
|
Số lượng thành viên CLB | 121 | 362 |
Bảng 3. Mức độ yêu thích các hình thức hoạt động của CLB Lịch sử
Số lượng khảo sát | Mức độ | Hình thức hoạt động CLB | ||||
Sân khấu hóa | Sử dụng mạng xã hội | Trò chơi | Trao đổi, thảo luận | Thực hiện dự án | ||
300 HS | Rất thích | 207 | 58 | 112 | 104 | 162 |
Thích | 62 | 106 | 125 | 98 | 114 | |
Không quan tâm | 31 | 46 | 63 | 88 | 34 |
PHẦN III. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
Qua quá trình thực hiện tổ chức và hoạt động CLB Lịch sử, tôi nhận thấy để CLB thực sự đem lại hiệu quả, là nơi trau dồi kiến thức, kĩ năng, là mảnh đất ươm mầm cho những đam mê cần có sự nỗ lực rất lớn.
Về ban chủ nhiệm, phải thảo luận đưa ra được chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp với bộ môn và mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất người học.
CLB được tổ chức dưới sự giám sát của nhà trường, giáo viên nhưng cần phát huy tinh thần tự nguyện, tích cực của học sinh. Mỗi thành viên là một màu sắc làm cho CLB trở nên phong phú hơn, vì vậy hoạt động phải phát huy vai trò nhân tố nổi bật của học sinh trong tổ chức và hoạt động CLB. CLB phải thực sự là “nơi tổ chức các hoạt động phong phú, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của học sinh, tạo môi trường cho những sáng kiến, tài năng của các em được bộc lộ, phát triển”.
Về phía nhà giáo dục, giáo viên nên ở vị trí ban cố vấn để hỗ trợ các em trong quá trình hoạt động. Đồng thời cần khích lệ tinh thần tham gia của các em một cách kịp thời.
Tổ chức Câu lạc bộ Lịch sử là hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy học sinh ham thích học tập bộ môn, phát triển khả năng giao tiếp và nâng cao chất lượng học tập. Để thực hiện tốt mục đích trên đây tôi xin đề nghị:
– Cần tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại để HS có cơ hội hiểu biết.
– Cuối mỗi năm học, nhà trường nên có giấy công nhận tham gia CLB của các thành viên.
– Phân công nhiệm vụ phù hợp cho từng giáo viên trong CLB mọi hoạt động được thực hiện phát huy sức sáng tạo và đạt hiệu quả cao
– Trong không gian nhà trường với nhiều mô hình CLB như hiện nay, thiết nghĩ cuối mỗi năm học nên tổ chức một buổi giao lưu, học hỏi giữa các CLB với nhau, tăng cường sự đoàn kết trong nhà trường.
Diễn Châu, tháng 3 năm 2021 | |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS-TS Nguyễn Thanh Bình , Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh THPT, NXB Đại học Sư phạm.
2. PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Giáo trình chuyên đề Giáo dục kĩ năng sống, NXB Đại học sư phạm.
3. Bộ Giáo dục Đào tạo, Tài liệu tập huấn sử dụng phương pháp giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THPT trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
4. Một số tài liệu tham khảo khác.
PHỤ LỤC
Phụ lục 1
PHIẾU KHẢO SÁT
Nhu cầu tham gia câu lạc bộ Lịch sử
Mục đích của khảo sát nhằm tìm hiểu nhu cầu tham gia vào hoạt động của câu lạc bộ Lịch sử. Từ đó thành lập câu lạc bộ Lịch sử, góp phần nâng cao năng lực/năng khiếu Lịch sử của học sinh trường THPT Diễn Châu 3.
Rất mong nhận được sự ủng hộ và hợp tác của các anh/chị!
Phần I. Thông tin cá nhân:
– Họ và tên : ………………………………………… Ngày sinh: ……………………..
– Lớp : …………..
– Năng lực, sở trường: …………………………………
Phần II. Nhu cầu tham gia câu lạc bộ Lịch sử
1, Anh/Chị có thích môn học Lịch sử không?
Rất thích
Thích
Không thích
2, Anh/Chị cho biết việc thành lập Câu lạc bộ Lịch sử cần thiết không?
Rất cần thiết
Cần thiết
Không cần thiết
3, Anh/Chị có nhu cầu tham gia câu lạc bộ Lịch sử không?
Có
Không
(Đánh dấu X vào ô thích hợp)
Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của anh/chị.
Phụ lục 2
SỞ GD&ĐT NGHỆ AN
TRƯỜNG THPT DIỄN CHÂU 3 Số: /QĐ-THPTDC3 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Diễn Châu, ngày 19 tháng 10 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc thành lập Câu lạc bộ Lịch sử
Và công nhận Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Câu lạc bộ Lịch sử, trường THPT Diễn Châu 3
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT DIỄN CHÂU 3
– Căn cứ Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường phổ thông có nhiều cấp học;
– Căn cứ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công;
– Căn cứ Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 – 2021;
– Căn cứ Đề án thành lập câu lạc bộ Lịch sử
– Xét đề nghị của Nhóm Lịch sử
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thành lập Câu lạc bộ Lịch sử của trường THPT Diễn Châu 3 và chỉ định Ban chủ nhiệm gồm các ông/bà có tên sau:
1/ Học sinh Nguyễn Thị Ngọc Ánh sinh năm 2003 – Chủ nhiệm
2/ Học sinh Phan Thị Quỳnh Anh sinh năm 2005 – Phó Chủ nhiệm
3/ Học sinh Nguyễn Thiên Ban sinh năm 2004 – Phó chủ nhiệm.
4/ Học sinh Dương Thị Thanh Trúc sinh năm 2004 – Ban viên
5/ Học sinh Trương Như Quỳnh sinh năm 2003 – Ban viên.
Điều 2. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ có nhiệm vụ xây dựng Điều lệ, nội quy, kế hoạch hoạt động, định kỳ báo cáo kết quả hoạt động cho người trực tiếp phụ trách.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký
Các bộ phận liên quan, các ông/bà có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành quyết định này
Nơi nhận:
– Như điều 3 (th/h); – Lưu VT |
HIỆU TRƯỞNG |
Phụ lục 3. Bản kế hoạch chi tiết về kế hoạch hoạt động CLB Lịch sử
Diễn Châu 3, ngày 17 tháng 10 năm 2020. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ LỊCH SỬ TRƯỜNG THPT DIỄN CHÂU 3 Căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 của trường THPT Diễn Châu 3. Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”. Thực hiện theo các hoạt động chủ điểm năm học. Nhóm Lịch sử trường THPT Diễn Châu 3 đề ra kế hoạch hoạt động “Câu lạc bộ Lịch sử trường THPT Diễn Châu 3” với những nội dung như sau: I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA: – Tạo hứng thú cho học sinh trong học tập môn lịch sử ở trường THPT. – Phát triển các kĩ năng trong giao tiếp, ứng xử, cách tổ chức các hoạt động tập thể. – Học sinh được trải nghiệm, thể hiện khả năng sáng tạo trong cách cảm nhận lịch sử. – Gắn kết mối quan hệ giữa các giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau. – Tạo cơ sở lựa chọn những học sinh đam mê, có năng lực trong bộ môn lịch sử để tham gia đội tuyển học sinh giỏi. II. THÀNH PHẦN THAM GIA, THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG: 1. Thành phần 1.1. Ban chủ nhiệm:
1.2. Ban cố vấn: Các giáo viên dạy môn Lịch sử trường THPT Diễn Châu 3. 1.3. Đối tượng tham gia: – Học sinh 3 khối 10, 11, 12 trường THPT Diễn Châu 3. – Cựu học sinh trường Diễn Châu 3. – Các giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử. 1.4. Thời gian: trong suốt năm học 2020- 2021. III. NỘI DUNG SINH HOẠT, HÌNH THỨC THỰC HIỆN: 1.1. Nội dung sinh hoạt: – Thảo luận các vấn đề lịch sử liên quan đến nội dung trong chương trình học lớp 10, 11, 12. – Chia sẻ kinh nghiệm học, ôn tập, làm bài thi môn lịch sử. – Thảo luận, đánh giá các vấn đề lịch sử đương thời. – Tìm hiểu thêm về lịch sử địa phương. 1.2. Hình thức thực hiện: Nội dung sinh hoạt được tiến hành thành các chủ đề theo tháng và các hoạt động ngoại khóa, cụ thể:
Diễn Châu 3, ngày 17 tháng 10 năm 2020. TM Ban chủ nhiệm CLB Học sinh: Nguyễn Thị Ngọc Ánh |
Phụ lục 4. Quy chế hoạt động CLB Lịch sử
QUY CHẾ CÂU LẠC BỘ Chương I THÔNG TIN CHUNG Điều 1: Tên gọi, trực thuộc và nguyên tắc hoạt động Tên gọi: Câu lạc bộ Lịch sử Trực thuộc: Là tổ chức của học sinh có niềm yêu thích và muốn tham gia hoạt động ở lĩnh vực Lịch sử – CLB trực thuộc trường THPT Diễn Châu 3. Bảo trợ hoạt động: CLB được bảo trợ hoạt động bởi Ban Giám hiệu, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên Nhà trường. Nguyên tắc hoạt động: theo nguyên tắc dân chủ và trên tinh thần tự nguyện, tự giác của các thành viên. Hoạt động của CLB tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, các quy định của Nhà trường và các đơn vị bảo trợ hoạt động. Điều 2: Mục đích hoạt động – Tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, nuôi dưỡng niềm đam mê với lĩnh vực Lịch sử cho học sinh nhà trường. – Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa thành viên trong trường. – Góp phần quảng bá hình ảnh của học sinh, đội ngũ CBGV và Nhà trường. Điều 3: Nội dung hoạt động – Thảo luận các vấn đề lịch sử liên quan đến nội dung trong chương trình học lớp 10, 11, 12. – Chia sẻ kinh nghiệm học, ôn tập, làm bài thi môn lịch sử. – Thảo luận, đánh giá các vấn đề lịch sử đương thời. – Tìm hiểu thêm về lịch sử địa phương. Chương II THÀNH VIÊN Điều 4: Tư cách thành viên Học sinh hiện đang học tại trường đều có đủ tư cách được đăng ký tham gia vào CLB. Học sinh có nguyện vọng cần viết đơn đăng ký tham gia, chấp hành đầy đủ các quy định của CLB. Ban Chủ nhiệm(BCN) CLB sẽ xét đơn và công nhận tư cách thành viên. Điều 5: Quyền và lợi ích của thành viên – Được tham gia tất cả các hoạt động của CLB; – Được xét khen thưởng khi có thành tích xuất sắc theo đề nghị của BCN CLB và BCH Đoàn trường; – Được hưởng đầy đủ và bình đẳng các chế độ của CLB theo những quy định được CLB thống nhất; – Được tự nguyện rút tư cách thành viên khi không còn nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt trong CLB. Điều 6: Nghĩa cụ của thành viên – Chấp hành đầy đủ các quy định cũng như sự phân công của BCN CLB; – Tham gia sinh hoạt và đóng lệ phí thành viên đầy đủ, đúng thời hạn; – Góp phần tích cực vào việc xây dựng CLB và quảng bá hình ảnh tốt đẹp của nhà trường. Điều 7: Kết nạp và rút tên thành viên – Học sinh có nguyện vọng tham gia cần viết đơn xin ra nhập CLB và đóng lệ phí tham gia CLB cho BCN CLB; – Thành viên CLB khi không còn nguyện vọng tham gia cần viết đơn gửi BCN CLB xin thôi tư cách thành viên; BCN CLB sẽ họp xét công nhận tư cách thành viên hoặc đồng ý cho thôi tư cách thành viên theo nguyên tắc quá bán (từ ½ thành viên đồng ý trở lên). Chương III TỔ CHỨC, ĐIỀU HÀNH Điều 8: Tổ chức của CLB CLB được điều hành bởi Ban Chủ nhiệm CLB là tổ chức trực thuộc nhà trường, do BCN lựa chọn ra để phục vụ cho các hoạt động giáo dục của nhà trường. Điều 9: Ban Chủ nhiệm CLB Ban Chủ nhiệm CLB gồm 05 thành viên do Đại hội CLB bầu ra theo nhiệm kỳ 1 năm, gồm: Chủ nhiệm; Phó Chủ nhiệm phụ trách tổ chức, tài chính; Phó Chủ nhiệm phụ trách chuyên môn và 02 ủy viên BCN. Cơ cấu trong BCN CLB gồm: đại diện các khối. BCN CLB hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ, có trách nhiệm tổ chức hoạt động của CLB theo kế hoạch đề ra, vì sự phát triển của CLB và phong trào chung của nhà trường. Chương IV TÀI CHÍNH CỦA CÂU LẠC BỘ Điều 10: Kinh phí hoạt động Kinh phí hoạt động của CLB dựa trên nguyên tắc tự chủ tài chính, được huy động từ các nguồn: – Lệ phí hàng năm của các thành viên đóng góp; – Hỗ trợ kinh phí từ Nhà trường; – Huy động từ các nguồn hỗ trợ khác; – Đóng góp khác của các thành viên. Điều 11: Lệ phí và các khoản đóng góp khác – Lệ phí thành viên của CLB là: 70 000đồng/năm; – Phí tham gia CLB lần đầu là: 20 000đồng/người (Chỉ thu đối với thành viên xin tham gia CLB sau thời điểm kiện toàn); – Các khoản đóng góp để tổ chức và tham gia giao lưu khác của CLB: theo mức chi thực tế phát sinh và trên tổng số người tham gia hoạt động đó. Điều 12: Quản lý và sử dụng kinh phí – BCN CLB chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả. Được báo cáo tổng kết hàng năm. – Kinh phí từ quỹ CLB được sử dụng cho các hoạt động thường xuyên của CLB. Các hoạt động phát sinh sẽ được BCN tính toán kinh phí và thông báo tới toàn thể thành viên CLB biết để thống nhất và đóng góp. Chương IV KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT Điều 13: Khen thưởng Thành viên CLB có thành tích xuất sắc trong hoạt động, góp phần vào sự phát triển của CLB, phong trào thể thao của Nhà trường sẽ được BCN CLB xét khen thưởng và đề nghị Nhà trường khen thưởng. Điều 14: Kỷ luật Thành viên vi phạm quy định của CLB sẽ bị BCN xem xét kỷ luật với các mức độ và hình thức cụ thể từ phạt tiền đến xóa tư cách thành viên. Các hình thức và mức độ kỷ luật cụ thể do Ban Chủ nhiệm CLB đề ra và toàn thể CLB thống nhất trên nguyên tắc biểu quyết dân chủ với sự đồng ý của từ ½ số thành viên chính thức tham gia biểu quyết trở lên. Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 15: Trách nhiệm thi hành Mọi thành viên của CLB có trách nhiệm thi hành nghiêm túc Điều lệ này; BCN CLB có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ, cập nhật các góp ý điều chỉnh để xin ý kiến Đại hội CLB chỉnh sửa Điều lệ cho phù hợp. Điều 16: Hiệu lực thi hành Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; Việc sửa đổi bổ sung Điều lệ do BCN đề nghị hoặc có ý kiến của từ ½ số thành viên chính thức trở lên, và phải được thông qua ý kiến của toàn thể thành viên chính thức của CLB với nguyên tắc dân chủ quá bán (hơn ½ số người đồng ý). T/M. BAN CHỦ NHIỆM TRƯỞNG BAN Nguyễn Thị Ngọc Ánh |
Phụ lục 5. Kịch bản chương trình ra mắt và
sân khấu hóa “Truông Bồn khúc tráng ca”
KỊCH BẢN DẪN CHƯƠNG TRÌNH LỄ RA MẮT
CÂU LẠC BỘ LỊCH SỬ TRƯỜNG THPT DIỄN CHÂU 3 I. Tấu hài: – Sứ giả ( đi trong ra, tay cầm loa, mặc bộ đồ chắp vá mấy mảnh và loa) “Loa loa loa loa … Chiềng làng chiềng chạ Thượng hạ tây – đông Ai tới mà trông Diễn Châu 3 đang khai hội…. Loa loa loa loa” – Trúc: Mấy chú ơi, mấy chú khai cấy chi mà vui rứa hề, tai tui có nghe chi mô…. – Sứ giả: Khai hội, khai hội bà ơi…chứ cháu có bị bắt chi mô mà khai – Lính 1(Cầm lô gô CLB): Đây đây đây bà ơi, chả là trường con dạo ni tưng bừng tổ chức các CLB, nào là CLB diễn xuất, nào là CLB bóng chuyền………….Mới tuần trước thôi là CLB tự nhiên của Thầy Chiến ra mắt đó, sản phẩm tên lửả nước…..bay… hốt cả hền bà nạ. – Lính 2 (khoe lô gô): Bà thấy không! Hít to ri, hít to ri cờ lắp. Câu lạc bộ lịch sử hôm nay cũng ra mắt đó . Đây là lô gô phên bết của nhà cháu do bạn Ngô Minh Tâm lớp 11A9 thành viên CLB vẽ. – Trúc: Giỏi, giỏi. Mà những ai được tham gia rứa chú? – Sứ giả: là học sinh trong trường DC 3 bà nạ! – Trúc: rứa để tui về nói với cháu tui đây. – Sứ giả: khoan , khoan! Cháu nhà bà học lớp mấy? – Trúc: cháu ngoại tui học 11A2, học giỏi.. cháu nội tui học 12A1, học giỏi lắm, giỏi kinh khủng …… Nhưng không biết tham gia vô có được cấy chi k chú hề? – Sứ giả: được được nhiều lắm, cứ đam mê là vào thôi bà. Vậy để chúng cháu mời bà tham dự Lễ này cho bà biết nhá, có đứa cháu mô thì đăng kí ngay và luôn.. – Hai MC (Ngồi dưới cùng khán giả, đi lên sân khấu) giới thiệu: + Lâm: Xin hân hoan chào đón các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh của trường THPT Diễn Châu 3. + Thanh: Với phương châm “Học sử không chán như em tưởng” Câu lạc bộ lịch sử ra đời là sân chơi giành cho những niềm đam mê và những cái nhìn mới mẻ về bộ môn lịch sử. + Lâm: Tôi xin phép được bắt đầu với một bạn rất xinh gái: Chào bạn! Bạn có thể giới thiệu về mình không? + HS: ………….. + Lâm: Bạn có thích môn lịch sử không? Phương án “có”: Một lời động viên rất tuyệt vời cho CLB. Phương án “không”: Vì sao vậy? + HS:……… + Lâm: Từ phương án có, sẽ dẫn: Bạn đã đăng kí vào câu lạc bộ LS chưa?
(Vừa đi lên sân khấu vừa nói) Cùng với bạn, câu lạc bộ xin nhận được sự giúp đỡ, góp ý và động viên của quý thầy cô, các bạn học sinh để câu lạc bộ ngày càng phát triển.
(Vừa đi lên sân khấu vừa nói) Xin mời bạn cùng quý vị hãy trải nghiệm cùng với câu lạc bộ để cảm nhận nhé! Thanh (đứng giữa sân khấu): Xin mời sự xuất hiện của các thành viên câu lạc bộ lên sân khấu. (Tiếng anh…) Qua hơn 1 tháng hoạt động trên page, hiện nay CLB đã thu hút hơn 80 thành viên đến từ các khối lớp trong trường và cả sự có mặt của cựu học sinh. Với những mini game thú vị, bổ ích. Đây chính là những con số minh chứng cho sức hấp dẫn của bộ môn lịch sử. Trong buổi ra mắt hôm nay, chúng tôi xin được công bố và trao thưởng cho các thí sinh đạt giải trong mini game “Đi tìm nhân vật lịch sử bí ẩn” chủ đề tháng 11: Lâm: Xin mời các bạn đồng giải ba: Bạn Hồ Thị Lan Hương- lớp 10A7. Bạn Hà Thị Thu Trang lớp 12D1. Bạn Nguyễn Thị Tường Vi lớp 10D4. Thanh: Xin trân trọng mời lên sân khấu Thầy Ngô Thế Lữ – Nhóm trưởng bộ môn Lịch sử lên trao phần thưởng cho các bạn. Thanh: Xin mời những thí sinh đồng giải nhì: Bạn Trần Thị Quỳnh Trang lớp 12D1. Bạn Cao Chu Thiên Trang lớp 10A4. Lâm: Xin trân trọng mời lên sân khấu Cô Cao Thị Hải An – Phó hiệu trưởng trường THPT Diễn Châu 3 lên trao phần thưởng cho các bạn. Thanh: Và chúng ta chào đón thí sinh đạt giải nhất, bạn Bùi Minh Huyền lớp 10D1. Lâm: Xin trân trọng mời lên sân khấu Thầy Phan Trọng Đông – Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường lên trao giải thưởng cho bạn. Thanh: Xin mời các thầy cô và thành viên câu lạc bộ chụp ảnh lưu niệm. Lâm (lúc mọi người đi xuống): Thay mặt CLB, chúng tôi xin chân thành cảm ơn + sự chỉ đạo sát sao của ban giám hiệu nhà trường + các thầy cô giảng dạy môn lịch sử đã cố vấn chương trình. + sự động viên khích lệ của các thầy cô giáo bộ môn khác. Thanh: đồng cảm ơn nhà tài trợ công ty TNHH may Việt Hàn đã tài trợ áo cho CLB. Lâm: Cảm ơn sự đam mê, nhiệt huyết của các thành viên CLB, đặc biệt Ban đạo cụ những chiến binh thầm lặng đã giúp đỡ chúng tôi tổ chức chương trình. Thanh: Kính thưa quý vị Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Nam Bắc Chẳng biết chiến tranh là gì chỉ nghe qua lời kể của cha Để cảm nhận sâu sắc hơn sự hi sinh của các thanh niên xung phong trong “Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất mà đế quốc Mĩ đã tiến hành” xin mời quý thầy cô cùng đến với 1 nội dung đã được sân khấu hóa bằng tài năng của các thành viên CLB lịch sử. ” Truông Bồn khúc tráng ca” |
– Lời dẫn:
Trên tuyến đường chiến lược 15A, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng để vận chuyển nhân tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, có những người con gái, con trai, lứa tuổi mười tám, đôi mươi đã viết nên một huyền thoại mang tên Truông Bồn… CẢNH I: HỒI ỨC – Nhạc rùng rợn, ma mị…. – Bà Thông: Các đồng chí, các đồng chí đã về đây rồi ư?…. Tiểu đội thép chúng ta tập hợp về đây rồi ư? Các em có đau lắm không….có lạnh lắm không?…. Chị xin lỗi vì không đi cùng với các em, tay chị cào đất, máu tuôn chị không sợ, chị chỉ sợ quốc xẻng làm các em đau. Vinh ơi…Hoài ơi…Dung ơi…Doãn ơi…. anh Đang… và cả anh Hòa.. cái Tâm ơi…..
CẢNH 2: LỚP HỌC Dựng lại cảnh ở lớp học trước khi một số chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ CẢNH 3: CHIA LY Mẹ : Hòa à! Đât nước ta lại chiến tranh. Giờ đây, con trai của mẹ phải gác sách bút, cùng các bạn ra chiến trường. Hôm nay, con lên đường…nhớ bảo trọng, nghe con. Đồng chí Hòa: Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe nạ, mẹ cứ tin con, chúng con sẽ làm được… CẢNH 4: HÀNH QUÂN Nhóm nữ (nhạc nền bài cô gái mở đường…) Nhóm nam (nhạc nền bài đêm đã về khuya …) Gái: Ô..các anh ấy đẹp trai quá… Nam: Các em ơi, có cần anh giúp chi không?.. Gái: Có chứ Nam: Nhưng anh giúp phải trả công anh đọ Gái: Trả cấy chi mồ? Nam: Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu Áo anh sứt chỉ đã lâu Nay nhờ đằng ấy về khâu cho cùng CẢNH 5: NHẬN NHIỆM VỤ –Thủ trưởng: Cấp trên chỉ huy ngày mai (31/10) chúng ta phải cấp tốc thông đường cho đoàn xe ta chuyển hàng vào Nam trước khi trời sáng . Các được được xuât ngũ có thể ở lại doanh trại không cần tham gia – Đồng chí Hiên: Nỏ,còn ở trận địa ngày mô em còn làm ngày nớ,mưa bom bão đạn mấy nghìn ngày em còn nỏ sợ, sợ chi một bựa. –Các cô gái: rứa là sắp được về Yên Thành, Diện Châu ăn cưới rồi chị em ơi. Nhưng mà ta làm cấy tiệc liên hoan nhỏ nhỏ để tạm biệt cuốc xẻng. Mai ni muốn quay lại lấp hố bom chắc nỏ được nựa mô… CẢNH 6: LỄ DẠM NGÕ ĐẶC BIỆT Mẹ đồng chí Tâm: chà, chiến tranh ngày càng ác liệt. nhưng chắc chắn chúng nó phải rút khỏi miền bắc. chắc vài bựa nựa là 2 đứa hấn về kịp làm đám cưới rồi Mẹ đồng chí Hòa: có ai ở nhà không? Mẹ đồng chí Tâm: chị..chị hỏi ai Mẹ đồng chí Hòa: chị có phại là mẹ cháu Tâm ở tiểu đội 2 không hề? Mẹ đồng chí Tâm: Chị.. chị.. là mẹ của cháu Hòa phải không? Mẹ đồng chí Hòa: dạ, là tui đây Mẹ đồng chí Tâm: Mời chị vào nhà, mời nước….. CẢNH 7: – Đồng chí Tâm: (ra trước, ngồi bên bậc trầm ngâm) – Đồng chí Hòa: ( đem một chùm hoa mua màu tím) em răng rứa, răng lại ngồi trầm ngâm ở đây? – Đồng chí Tâm: em nghĩ đến ngày cưới sắp tới của chúng ta. Em càng nghĩ càng lo, em càng thương mẹ. Anh trai em đạ hy sinh nơi chiến trường, ngày tiễn em mắt mẹ cứ trực trào muốn khóc. Ba năm nay em mới về thăm nhà được có 2 lần, nhưng mà lần gần đây em thấy mẹ vui, đó là… – Đồng chí Hòa: răng rứa em? – Đồng chí Đ/c Tâm: bữa nứ em về thưa chuyện với mẹ, là em đạ thương anh – Đồng chí Hòa: Tâm ơi…Bựa em về anh không về được, anh viết thư gửi về cho mẹ, nói về chuyện 2 đứa mình. Bựa ni mẹ đạ lên nhà em dạm ngọ. Xong việc rồi, mình về thăm các cụ em nhé. – Đồng chí Tâm: Những bông hoa ở đây đã gắn với niềm vui nỗi buồn của chúng em, những đêm trăng lên, mùi hoa át cả mùi bom đạn em sẽ về ép khô làm kỉ niệm để luôn nhớ về một thời oanh liệt ở tiểu đội 2 đại đội 317 của chúng mình anh à. – Đồng chí Hòa: Phải em à, ta sẽ giữ lại hồi ức những năm tháng chiến đấu cực khổ trên miền đất Truông Bồn, – Đồng chí Tâm: Màu tím hoa mua truông bồn-màu tím thủy chung, em ước mong sao ngày cưới của chúng ta trang trí hoa màu tím đầy khắp, có cả bố mẹ đôi bên, họ hàng, cả tiểu đội vây quanh chúc mừng cho đám cưới chúng ta. – Đồng chí Hòa: Chỉ một ngày nựa thôi ta đã chung một mái nhà, em sẽ là cô dâu nói cười bẽn lẽn, hạnh phúc đến gần rồi em ơi. – Đồng chí Hòa: Ngày mai là trận đánh quan trọng, ta lại là tiểu đội trực chiến, nên là em về động viên các chị em giúp anh, xong trận này ta sẽ được trở về rồi – Đồng chí Tâm: Dạ CẢNH 8: CHIẾN TRƯỜNG (Hậu cần dựng hoạt cảnh: đất đá cây cối, các nữ TNXP cầm theo quốc, rá để đào đất và vận chuyển đá) – Đồng chí Hòa: Các đ/c tiến lên… –TNXP: mở đường… hăng hái làm việc, cổ vũ nhau ( Bom nổ) – Đồng chí Hòa: các đồng chí có sao không? Mọi người: nỏ can chi mô, mấy quả bom của quân ni nhằm nhò chi hề – Đồng chí Hòa: rứa mọi người tiếp tục nào. Cố lên, còn tí nựa là đến giờ mấy thằng Mỵ hấn nỏ dám ném bom nựa mô. ( Bom nổ lần 1) các chiến sĩ hy sinh, chỉ duy nhất Bà Thông còn sống sót MÚA KẾT THÚC: Con xin ở lại nơi này – Thơ Nguyễn Văn Á – Ngô Bá Lục |
Phụ lục 6. Một số hình ảnh tổ chức, hoạt động CLB Lịch sử
Chuẩn bị đạo cụ cho hoạt động ra mắt
Biểu diễn nghệ thuật
Tìm hiểu các dòng họ, đền thờ tại địa phương
Tập luyện và giải trí
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề tài:
XÂY DỰNG CÂU LẠC BỘ NHẰM TẠO HỨNG THÚ
HỌC TẬP MÔN LỊCH SỬ CHO HỌC SINH THPT
Lĩnh vực: LỊCH SỬ
Năm thực hiện: 2021
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN
TRƯỜNG THPT DIỄN CHÂU 3
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề tài:
XÂY DỰNG CÂU LẠC BỘ NHẰM TẠO HỨNG THÚ
HỌC TẬP MÔN LỊCH SỬ CHO HỌC SINH THPT
Lĩnh vực: LỊCH SỬ
Người thực hiện: LÊ THỊ THANH TRANG
Tổ : Xã hội
Năm thực hiện: 2021
Điện thoại: 0986104909
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
STT | Các từ viết tắt | Viết đầy đủ |
BCN CLB | Ban chủ nhiệm câu lạc bộ | |
CLB | Câu lạc bộ | |
HS | Học sinh | |
GV | Giáo viên | |
KHXH | Khoa học xã hội | |
SGD&ĐT | Sở Giáo dục và Đào tạo | |
THPT | Trung học phổ thông | |
THPTQG | Trung học phổ thông quốc gia |
MỤC LỤC
1.2. Mục tiêu, ý nghĩa, tính mới của đề tài 2
2.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức câu lạc bộ ở trường phổ thông 4
2.1.2. Thực tiễn xây dựng và tổ chức hoạt động câu lạc bộ Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay. 5
2.2.1 Công tác chuẩn bị thành lập CLB 7
2.2.3 Các hình thức tổ chức hoạt động 12
2.3. Kết quả thực hiện đề tài 23