Công trình: Thực hành chiết rút sắc tố thực vật dùng làm bánh rau câu an toàn, đẹp mắt và giàu dinh dưỡng” nhằm giúp học sinh lớp 11A2 vận dụng kiến thức sinh học vào đời sống
Link công trình: https://drive.google.com/drive/folders/1qCXtJ1Y-nUt4K4453M1vrVnU1VxFTK4_?usp=sharing
Giới thiệu về công trình:
- Cơ sở lí luận
– Sinh học là môn học được lựa chọn trong nhóm môn khoa học tự nhiên ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp[1]. Môn Sinh học góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất, năng lực nhận thức kiến thức sinh học và năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn.
– Thông qua các chủ đề nội dung, chương trình môn học theo định hướng mới trình bày các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lí ô nhiễm môi trường, nông nghiệp và thực phẩm sạch[2]; trong y – dược học.
– Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức sinh học để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, sáng tạo trên cơ sở tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động học tập, khám phá, vận dụng.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học sinh học. Coi trọng các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa và hệ thống các thiết bị dạy học; khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học trên các phương tiện kho tri thức, đa phương tiện, tăng cường sử dụng các tư liệu điện tử (như phim thí nghiệm, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng,…).
– Bài 8, Sinh học 11 học sinh được học về các sắc tố quang hợp ở thực vật. Tiếp theo đến bài 13, học sinh có bài thực hành phát hiện sắc tố gồm diệp lục và carotenoit ở thực vật. Bài thực hành này giúp HS sử dụng các hóa chất để tách chiết sắc tố, sau đó quan sát. Từ đây tôi nảy sinh suy nghĩ, tại sao chúng ta không sử dụng kiến thức này vào tổ chức học tập trải nghiệm, đó là vừa giúp HS biết cách thu sắc tố thực vật, vừa biết sử dụng chúng vào trong chế biến thực phẩm sạch để dùng hàng ngày. Thực tế phương pháp này đã được các bà nội trợ áp dụng từ lâu, thế nhưng đối với HS đây thực sự là nội dung mới. Chính vì thế, việc tổ chức HS học tập và trải nghiệm chắc chắn sẽ giúp HS có thêm hứng thú với môn học, hình thành ở các em nhiều năng lực nhận thức về lí thuyết, song song đó là năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn để tạo được sản phẩm phục vụ thiết yếu cho cuộc sống.
- Cơ sở thực tiễn
– Hiện nay thực phẩm bán sẵn sử dụng rất nhiều hóa chất để tạo màu với mục đích làm cho món ăn nhìn đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Các loại bánh kẹo cho trẻ em sản xuất từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, hay thực phẩm không rõ nguồn gốc có màu sắc lòe loẹt, mùi thơm nồng, vị đắng nhẫn. Các hóa chất này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là người có cơ địa dị ứng và trẻ nhỏ. Sử dụng lâu dài sẽ tích tụ, gây nên các chứng bệnh mãn tính như suy thận, tiểu đường, ung thư… Bên cạnh đó để giữ màu sắc được lâu, người ta còn dùng rất nhiều phụ gia, chất tạo hương vị… Vì thế thực phẩm bán sẵn tuy có thời gian bảo quản lâu nhưng lượng chất dinh dưỡng ít và không an toàn cho sức khỏe.
– Việt Nam là nước nhiệt đới, đa dạng các loài thực vật, trong đó có rất nhiều loài có màu sắc đẹp và có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm như: lá dứa, quả gấc, lá nếp cẩm, chanh dây, bắp cải tím, củ dền, cà rốt… Những loại thực vật này không chỉ làm món ăn đẹp và bắt mắt hơn mà còn cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng cho con người. Một số loại trong đó còn có tác dụng chữa bệnh hay phòng chống bệnh[3] như: chống oxi hóa, kháng viêm, ngăn ngừa ung thư và một số bệnh như xơ vữa động mạch, tiểu đường, bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa…
– Việc chiết xuất các màu từ thực vật rất dễ thực hiện, nhiều loại tan tốt trong nước (lá dứa, lá nếp cẩm, củ dền, hoa đậu biếc…), tan trong rượu (quả gấc), hoặc có loại có thể thu màu trực tiếp (chanh dây). Các màu này hầu hết có độ bền khá tốt khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, đặc biệt lại có mùi thơm rất dễ chịu, vị thanh nhẹ. Do đó tiềm năng sử dụng chúng vào chế biến thực phẩm là rất cao, các nguyên liệu lại dễ tìm, giá thành rẻ. Chính vì thế màu thực vật có thể sử dụng vào làm các loại bánh, nước uống, mứt, xôi, chè… đều cho màu sắc đẹp không thua kém màu nhân tạo, mùi vị thơm ngon và an toàn, giàu dinh dưỡng.
– Chính vì ý thức được việc sử dụng màu tự nhiên từ thực vật là cần thiết, từ lâu tôi đã ứng dụng màu tự nhiên trong nấu các món ăn cho gia đình. Việc này càng trở nên thường xuyên khi tôi có con gái nhỏ. Tôi rất hạn chế cho bé ăn các loại bánh kẹo có màu sặc sỡ, uống trà sữa có thạch, trân châu… Chế biến các món ăn từ màu thực vật tuy cần chuẩn bị nguyên vật liệu, tốn nhiều thời gian nhưng bù lại các món ăn vừa thơm ngon, bổ dưỡng, đẹp mắt theo tôi rất đáng để đầu tư tâm huyết vào thực hiện cho bé nhỏ, bản thân và gia đình.
Xuất phát từ các cơ sở về lí luận và thực tiễn nêu trên, tôi tiến hành xây dựng chuyên đề dạy học trải nghiệm: “Thực hành chiết rút sắc tố thực vật vào làm bánh rau câu an toàn, đẹp mắt và giàu dinh dưỡng” nhằm giúp học sinh lớp 11A2 vận dụng kiến thức sinh học vào đời sống.